[BIỂU MẪU] SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM [2025]

21-04-2025 Nguyễn Lê

Quý thầy cô vui lòng tải biểu mẫu dưới đây để đăng ký và thực hiện viết sáng kiến kinh nghiệm.

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

1.SÁNG KIẾN CẤP TRƯỜNG, CẤP BỘ VÀ TOÀN QUỐC

1.1. Quy định chung

1.1.1. Sáng kiến trong hoạt động của Trường Cao đẳng Công Thương TP. HCM là các giải pháp quản lý, kỹ thuật, tác nghiệp hoặc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật có tính mới trong phạm vi Nhà trường đã được áp dụng hoặc áp dụng thử và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực, được Nhà trường công nhận.

Sáng kiến cấp Bộ, Ngành là các giải pháp mới được tạo ra hoặc cải tiến các giải pháp trước đó, được áp dụng trong hoạt động trong ngành Công Thương, có khả năng mang lại lợi ích thiết thực trong phạm vi ngành Công Thương được Bộ Công Thương công nhận. 

Sáng kiến cấp toàn quốc là các giải pháp mới được tạo ra hoặc cải tiến các giải pháp trước đó, được áp dụng trong hoạt động trong ngành Công Thương, có khả năng mang lại lợi ích thiết thực trên phạm vi toàn quốc được Bộ Công Thương hoặc Quốc gia công nhận. 

1.1.2. Một giải pháp được coi là có tính mới trong phạm vi xem xét nếu tính đến trước ngày nộp đon yêu cầu công nhận sáng kiến, hoặc ngày bắt đầu áp dụng thử hoặc áp dụng lần đầu (tính theo ngày nào sớm hơn), trong phạm vi cơ sở đó, giải pháp đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: 

  • Không trùng với các nội dung của giải pháp trong đơn đăng ký sáng kiến nộp trước đó; 
  • Chưa công bố trong các văn bản, sách báo, tài liệu kỹ thuật đến mức căn cứ vào đó có thể thực hiện ngay được; 
  • Không trùng với giải pháp của người khác đã được áp dụng hoặc áp dụng thử, hoặc đưa vào kế hoạch áp dụng, phổ biến hoặc chuẩn bị các điều kiện để áp dụng, phổ biến; 
  • Chưa quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện.

1.1.3. Một giải pháp được coi là có khả năng mang lại lợi ích thiết thực nếu việc áp dụng giải pháp đó có khả năng mang lại hiệu quả giáo dục, kinh tế, hoặc lợi ích xã hội.

1.2. Một số trường hợp cụ thể sau đây được xem xét để công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp Bộ hoặc sáng kiến cấp Toàn quốc:

  • Những công trình, tác phẩm, sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ hoặc được tặng các Giải thưởng về Khoa học công nghệ cấp Bộ hoặc tương đương trở lên; 
  • Ý kiến chỉ đạo có phạm vi ảnh hưởng lớn của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ;
  • Chủ trì, hoặc thành viên có nhiều đóng góp trong: (i) xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành; (ii) xây dựng một văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đã được ban hành; (iii) xây dựng một đề án hoặc một dự án đã được phê duyệt;
  • Tác giả hoặc đồng tác giả thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ trở lên lên đã nghiệm thu mức đạt trở lên, có khả năng mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực;
  • Tác giả hoặc đồng tác giả một cuốn sách, một bài báo liên quan đến các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương có phạm vi ảnh hưởng trong toàn ngành hoặc toàn quốc, có khả năng mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực.
  • Tác giả hoặc đồng tác giả sản phẩm ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả trên thực tế có phạm vi ảnh hưởng trong toàn ngành hoặc toàn quốc, có khả năng mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực.

1.3. Một số trường hợp cụ thể sau đây được xem xét để công nhận sáng kiến cấp Trường: 

  • Những công trình, tác phẩm, sản phẩm, giải pháp … đã được Hội đồng Sáng kiến của Trường thông qua (đánh giá đạt);
  • Ý kiến chỉ đạo có phạm vi ảnh hưởng lớn của Lãnh đạo Trường, Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Trường đã được Hội đồng Sáng kiến của Trường thông qua (đánh giá đạt);
  • Chủ trì, hoặc thành viên có nhiều đóng góp trong: (i) xây dựng một văn bản quy định đã được ban hành; (ii) xây dựng một văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đã được ban hành; (iii) xây dựng một đề án hoặc một dự án đã được phê duyệt đã được Hội đồng Sáng kiến của Trường thông qua (đánh giá đạt);
  • Tác giả hoặc đồng tác giả thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường trở lên, đã nghiệm thu mức đạt trở lên. Trường hợp này, cá nhân đề nghị được xem xét chuyển đổi giữa đề tài NCKH sang sáng kiến;
  • Tác giả hoặc đồng tác giả một cuốn sách, một bài báo, một hội thảo khoa học. Trường hợp này, cá nhân đề nghị được xem xét chuyển đổi sang sáng kiến;
  • Tác giả hoặc đồng tác giả sản phẩm ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả trên thực tế có phạm vi ảnh hưởng trong toàn trường, có khả năng mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực đã được Hội đồng Sáng kiến của Trường thông qua.

2. ĐIỀU KIỆN VÀ TIÊU CHÍ XÉT, CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN

2.1. Sáng kiến được công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau:

  • Có tính mới trong phạm vi xem xét;
  • Có khả năng mang lại lợi ích thiết thực

2.2. Điều kiện công nhận sáng kiến:

  • Không thuộc các trường hợp bị loại trừ sau:
    • Giải pháp mà việc công bố, áp dụng giải pháp trái với trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội;
    • Giải pháp là đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật tính đến thời điểm xét công nhận sáng kiến;
    • Giải pháp mà việc công bố, áp dụng giải pháp không phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển của Trường.
  • Hội đồng Sáng kiến đánh giá đạt số điểm bình quân từ 70 điểm trở lên trên tổng số thang điểm 100

3. HỒ SƠ, THỦ TỤC, TRÌNH TỰ XÉT VÀ CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN

3.1. Hồ sơ đề nghị xét và công nhận sáng kiến nộp về Phòng QLKH & HTĐT, bao gồm:

  • Tờ trình của cá nhân/ đơn vị có ý kiến của trưởng/ phó đơn vị hoặc có biên bản họp của đơn vị;
  • Đơn đề nghị công nhận sáng kiến (Mẫu 01)
  • Báo cáo mô tả sáng kiến (Mẫu 02)
  • Các tài liệu khác liên quan đến minh chứng.

3.2. Trình tự xét, công nhận sáng kiến

Bước 1: Thẩm định hồ sơ, tổng hợp danh sách đề nghị xét, công nhận sáng kiến

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét và công nhận sáng kiến, Phòng QLKH & HTĐT rà soát, thẩm định và cho ý kiến, tổng hợp danh sách đề nghị xét, công nhận sáng kiến để báo cáo Hội đồng Sáng kiến cấp trường với các nội dung: Họ và tên tác giả sáng kiến, chức vụ, nơi công tác, tên sáng kiến, mô tả sáng kiến, lợi ích mang lại từ việc áp dụng sáng kiến, các tài liệu minh chúng (nếu có).

Bước 2: Hội đồng xét, đánh giá chấm điểm

Căn cứ điều kiện và tiêu chuẩn xét, công nhận sáng kiến, Hội đồng sáng kiến Trường xem xét, cho ý kiến, đánh giá chấm điểm cho từng sáng kiến.

Trường hợp hồ sơ Sáng kiến như mục 2, thì Hội đồng chỉ xem xét tính chính xác của việc quy đổi do Phòng QLKH & HTĐT cung cấp.

Bước 3: Tổng hợp điểm, công khai lấy ý kiến rộng rãi

Phòng QLKH & HTĐT tổng hợp các Phiếu chấm điểm của các thành viên, báo cáo kết quả và xin ý kiến Chủ tịch hội đồng sáng kiến cấp trường để côn gkhai lấy ý kiến gửi bằng phương tiện thông tin điện tử đến các Trưởng đơn vị đối với các sáng kiến đạt điểm số bình quân từ 70 điểm trở lên. Thời gian công khai là 10 ngày làm việc.

Bước 4: Báo cáo kết quả công khai lấy ý kiến, trình công nhận sáng kiến

Sau khi kết thúc thời gian công khai lấy ý kiến bằng phương tiện thông tin điện tử của Nhà trường, Phòng QLKH & HTĐT báo cáo kết quã cho Chủ tịch Hội đồng Sáng kiến và hoàn chỉnh hồ sơ trình Hiệu trưởng xem xét, ban hành quyết định công nhận sáng kiến.

Bài viết khác